cay tieu

TIÊU CHẾT HỎI TẠI SAO?

Nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam rất nhỏ, mỗi nhà mỗi thửa đất vài nghìn mét vuông. Nhà to thì vài chục héc ta, nhưng số ít đất chiếm phần đông. Cũng cùng trồng tiêu, nhưng trình độ canh tác khác nhau, thuận lợi địa lý và nhân lực cũng như tài chính khác nhau. Tất cả đều ảnh hưởng đến thành công trong nông nghiệp.

Tôi bán phân bò khô và loại đã qua ủ hoai mục hàng nghìn tấn, đôi khi nghe khách gọi mua hàng nhiều lúc lấy đỗi ngạc nhiên. Có khách chưa biết phân ủ hoai khác phân khô thế nào, có khách chẳng có công cán nhiều nên quẳng đại vào gốc cây chờ từ từ hoai mục. Có khách ủ phân chỉ tới cử châm nước cho đủ ẩm nhưng chẳng cần đảo đống ủ. Có khách ủ 2-3 tháng hoặc cho tới khi nào hoai mục lấy ra dùng. Có khách lúc trời khô không nước, lo đóng giếng nên chẳng quan tâm mua phân bò. Có khách lấy phân tươi ướt chẹp nhẹp, độ ẩm 100% nhưng đòi ủ hoai thật nhanh. Có khách sợ mua phải phân bò giả thành thử không quan tâm dùng…

Nhiều lúc tới vườn khách hàng, họ nói lúc trước Tiêu đang xanh tốt, chỉ vài cơn mưa là chết hàng loạt. Chẳng hiểu tại sao. Chạy khắp các nơi, nơi nào chỉ cách là đi tìm mua thuốc trị cho bằng được. Cuối cùng Tiêu vẫn chết. Chẳng hiểu tại sao.

Có những gương tiêu biểu trồng Tiêu giỏi của tỉnh, được đài truyền hình xuống quay phim, nhân rộng điển hình trong dân. Nhưng ít lâu, vườn tiêu của họ cũng chết dần. Hỏi tại sao? Họ cũng chẳng hiểu tại sao?

Có nhiều vườn được hướng dẫn đào rãnh thoát nước, phòng ngừa nấm bệnh định kỳ, tăng cường vi sinh. Thì cũng chỉ ậm ừ, bởi vườn đang tốt đẹp, cần gì phải tốn tiền phòng ngừa. Tiêu họ bắt đầu chết. Họ bắt đầu mua thuốc trị bệnh, tốn tiền triệu triệu. Đôi khi tiết tiền, mua ít thôi, lỡ may hết bệnh. Cây họ vẫn chết. Họ không hiểu tại sao.

Sự nhỏ lẻ vì đất ít ỏi, tài chính mỗi hộ cũng khác biệt nhau. Sự cầu thị kiến thức kinh nghiệm mỗi nơi mỗi khác nhau. Ai cũng là ông chủ của mảnh đất, cây trồng của mình. Mỗi nhà mỗi bón phân, mỗi nhà phun thuốc dẹp dịch bệnh khác nhau. Tất cả họ đều đúng. Nhưng lắm lúc còn phải hỏi tại sao.

TIÊU CHẾT DO BÓN PHÂN CHUỒNG HOAI MỤC:

Quả là ngạo ngược khi nói Tiêu chết do bón phân chuồng hoai mục (gà, heo, bò, dê). Trong khi hàng năm các chuyên gia đều khuyến cáo cần phải bón phân chuồng hoai mục. Mọi người đều tìm hiểu hoặc am hiểu làm cách nào để ủ hoai phân chuồng, hoặc cách ủ phân vi sinh bằng TRICHO DERMA.

Thế mà lời khuyên ấy tiềm ẩn nguy cơ Tiêu chết hàng loạt mà ít ai để ý. Tiêu chết hỏi tại sao?

Ít ai để ý đến quy trình ủ hoai mục phân chuồng. Phân chuồng khi mua về mang theo đầy mầm bệnh. Thế nhưng bà con sẵn sàng quăng thẳng vào gốc cây, dù phun men Trichoderma vào đống phân ấy. Hay ủ chẳng thèm đảo, chẳng thèm cấp nước để đủ độ ẩm. Đôi khi do thiếu công cán, nên ủ 2-3 tháng vẫn được.

Trước hết là các loại men ủ vi sinh trên thị trường quá yếu, không đủ độ đậm đặc, thích dùng hàng rẻ tiền. Ngoài ra, đống phân không tuân thủ quy trình ủ không đạt sự tăng sinh khối vi sinh nhanh chóng, chúng chỉ phát triển chậm chạp không đủ mạnh, độ nóng không cao. Trong lúc đó, nấm bệnh bên trong đống ủ có sẵn vẫn phát triển, cộng thêm nấm bệnh bên ngoài xâm nhập phát triển. Thế là cho dù đống ủ sau 2-3 tháng ủ hoai mục xong, nhưng đồng thời mang đầy mầm bệnh.

Sau đó, bà con đem phân chuồng ủ hoai bón vào cây. Lúc này, vi sinh vật có lợi sau khi ủ không biết còn bao nhiêu, nhưng vi sinh có hại thì nhiều không đếm xuể. Những vi sinh vật gây hại xâm nhập vào rễ, làm rễ hư hại. Khi mưa xuống, nấm bệnh tiếp tục tấn công, khiến cây Tiêu chết hàng loạt.

Lời khuyên bón phân chuồng hoai mục, tăng cường hệ vi sinh vật có lợi tuy đơn giản, nhưng rất quan trọng cho một nền nông nghiệp trọng năng suất và khai thác triệt để, tận thu tới cùng. Dù sao, khát vọng giàu có nhờ nông nghiệp là một khát khao đúng. Nhưng phải công bằng cho mình và cả người. Thu nhiều của đất, thì cũng phải trả lại tương xứng cho đất. Phân chuồng hoai mục, hệ vi sinh có lợi là một trong những điều căn bản, quan trọng nhất để cây trồng phát triển bền vững. Trả lại cho đất càng nhiều, chúng càng giúp ta có ăn nhiều mà ít phải lo âu.

Lần tới, nếu cây Tiêu có chết, thì phải hỏi ngược lại ta có phạm phải quy tắc căn bản, chết vì phân chuồng hay không?

TIÊU CHẾT VÌ NHỮNG BƯỚC CHÂN:

Cây tiêu là loại khó trồng bậc nhất hiện nay. Nhưng vì thu nhập cao, nên ai cũng muốn xông vào. Dù sao, thì cũng có rất nhiều gương thành công, cũng có rất nhiều kinh nghiệm thành công. Việc chia sẽ cho nhiều người cùng biết là điều đáng khen ngợi. Thông qua truyền hình, thông qua thăm thú vườn tược. Hình thức nào cũng có điểm tuyệt vời.

Nhưng đôi khi có những điều bí ẩn mà nhiều người không lý giải được. Tại sao tiêu họ đẹp, đài truyền hình về quay, phổ biến cho nhiều người. Nhưng sau một thời gian, cây họ chất dần, tất cả tàn lụi nhanh chóng.

Các kỹ sư của nhiều công ty, hàng ngày vào vườn giúp đỡ cho nông dân trồng trọt. Ai trong họ cũng mang đầy nhiệt huyết giúp bà con. Nhưng tiêu vẫn chết một cách bí ẩn.

Cuối cùng, tất cả đều giống nhau bởi một nguyên nhân. Tiêu chết vì những bước chân.

Tất cả những ai thăm vườn của bạn, có thể đã ghé thăm vườn của người nào đó. Nếu vườn bạn là vườn tốt, có thể vườn ai đó không tốt. Tuyến trùng, nấm bệnh dính vào đế giày. Bước vào vườn bạn một cách chậm rãi, cùng tuyến trùng và nấm bệnh.

Thường ngày chúng ta tự hào về mãnh vườn của mình, nay thì tiềm ẩn sự chết mà mình không hay biết.

Chúng ta đi thăm vườn, ghé vườn ai đó và trở về vườn nhà mình. Chúng ta có thể phân tán bệnh vào nhà người hoặc nhà mình. Tất cả đều vô ý, nhưng bệnh tật thì hữu tình, gắn bó dài lâu.

Thật ra, việc quản lý dịch bệnh trong vườn đã được phổ biến từ rất lâu, đến nỗi nhiều người quên mất nó. Kiến thức ấy đôi khi dài dòng, mênh mông và mất công mất thời gian vô kể. Nhưng nó tương đương với thời gian chạy đi tìm thuốc, bằng với số tiền mình bỏ ra trị bệnh cho cây, mất ăn vì phải nhổ bỏ trụ Tiêu hàng loạt.

Từ nay, hạn chế bước chân là cách bắt đầu hạn chế dịch bệnh. Dậm vào nước pha vôi để được yên tâm đi và về vườn nhà mình. Có thể điều này không hẳn đúng, nhưng còn hơn không biết Tiêu chết tại sao? Công cụ làm vườn chưa tẩy trùng cũng là nguyên nhân tương tự.

Shopping Cart